Mở cửa hàng quần áo cần bao nhiêu vốn? Ngân sách, Lưu ý và Kinh nghiệm

21/06/2021 - 03:06

Mở cửa hàng quần áo cần bao nhiêu vốn? Hướng dẫn chi tiết cách đầu tư an toàn và hiệu quả, phù hợp với các phân khúc tài chính khác nhau.

Có thể nói, kinh doanh quần áo là một trong các ý tưởng tiềm năng và có thị trường hấp dẫn bậc nhất hiện nay. Nhu cầu về “mặc đẹp” đang tạo nên các xu hướng thay đổi liên tục với tệp khách hàng vô cùng đa dạng. Mở cửa hàng quần áo chắc chắn sẽ là kênh sinh lời tốt, ổn định, nhưng có nhiều thứ cần chuẩn bị.

Bài viết này sẽ phân tích chi tiết mở cửa hàng quần áo cần bao nhiêu vốn và những đầu việc cần được ưu tiên trong kế hoạch kinh doanh.

mở cửa hàng quần áoPendecor
Mở cửa hàng quần áo là ý tưởng kinh doanh hấp dẫn

Mở cửa hàng quần áo cần bao nhiêu vốn?

Vốn để mở cửa hàng quần áo thường không có con số cố định, có thể vài chục hoặc vài trăm triệu tùy vào quy mô, mặt hàng, mặt bằng, số lượng nhân viên,... Để xác định được số tiền cần bỏ ra, bạn nên dựa trên các khoản chi phí cơ bản sau đây.

Thứ nhất, chi phí dùng để thuê mặt bằng

Đối với mở cửa hàng quần áo, mặt bằng rất quan trọng. Đây sẽ là nơi bày bán sản phẩm và tiếp đón khách. Mặt bằng càng ở nơi thuận tiện càng dễ tiếp cận và phát triển. Do đó, nếu thuê được địa điểm gần trung tâm, khu dân cư đông đúc, gần trường học, văn phòng, cơ quan,... hoặc các điểm vui chơi, giải trí,... thì cơ hội sinh lời rất cao.

Tuy nhiên, chi phí thuê mặt bằng ở các “điểm vàng” thường không thấp, ít cũng tầm 10 triệu/tháng, cao hơn có thể từ 50 - 100 triệu/tháng. Nếu chọn mặt bằng ở khu vực xa hơn, thì chi phí khoảng 3 - 5 triệu/tháng.

>>> Chi phí này nên tính theo năm (12 tháng) và là chi phí cố định.

chi phí mở 1 cửa hàng quần áoPendecor
Các loại chi phí ban đầu khi mở cửa hàng quần áo

Thứ hai, chi phí dùng để nhập hàng hóa

Các mặt hàng thời trang thường đa dạng và có sự phong phú về tầm giá, chất lượng. Việc bạn định hướng mở cửa hàng quần áo ở phân khúc nào sẽ ảnh hưởng đến vốn đầu tư ban đầu.

Nếu bạn kinh doanh quần áo bình dân, chi phí nhập hàng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng (tùy quy mô). Nếu là quần áo cao cấp, từ các thương hiệu lớn thì chi phí sẽ cao hơn. Một số chọn kinh doanh quần áo cũ thì giá của các kiện hàng cũng tương đối rẻ.

Thứ ba, chi phí đầu tư cho trang thiết bị cửa hàng

Đối với mở cửa hàng quần áo, bạn cần sắm các món đồ thiết yếu như kệ treo đồ, móc quần áo, gương, đèn, máy in hóa đơn, máy tính, hệ thống camera,... Trung bình, chi phí cho phần này thường là từ 10 - 50 triệu.

Thứ tư, chi phí cho việc thiết kế cửa hàng

Bạn sẽ cần bỏ ra một khoản tiền để cải tạo, sửa sang lại 1 phần hoặc toàn bộ mặt bằng để phục vụ cho việc kinh doanh. Thường thì các cửa hàng quần áo sẽ có xu hướng thiết kế cho không gian thêm phần tinh tế, mới mẻ và có gu hơn. Chi phí cho phần này phụ thuộc vào nhu cầu của bạn, có thể dao động từ 20 - 50 triệu hoặc hơn nữa.

chi phí mở cửa hàng quần áoPendecor
Vốn mở cửa hàng quần áo bao gồm nhiều loại chi phí

Thứ năm, chi phí dự phòng

Bạn nên có 10% - 20% tổng số vốn cho “quỹ dự phòng”, dùng vào các trường hợp có sự cố phát sinh như xử lý hàng tồn kho, hàng lỗi, hàng khách đổi trả hoặc cần mua sắm, cải tạo thêm cho cửa hàng.

Thứ sáu, chi phí nhân viên và marketing

Đây là khoản chi phí khi cửa hàng đi vào vận hành nhưng bạn cũng nên tính toán trước và đưa vào ngân sách tài chính. Tiền thuê nhân viên ít nhất cũng chiếm từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Tiền cho các dịch vụ khuyến mãi ban đầu từ 10 - 30 triệu đồng.

>>> Như vậy, tổng vốn đầu tư cho một cửa hàng quần áo quy mô vừa, dao động từ 150 - 400 triệu đồng (Đây chỉ là con số tham khảo, có thể thay đổi theo tình hình thị trường).

10 lưu ý quan trọng khi mở cửa hàng quần áo

Ngoài chuẩn bị sẵn sàng về vốn và có phương án sử dụng cụ thể, đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây để cửa hàng đạt được hiệu quả tốt nhất.

Nghiên cứu và tham khảo thị trường thật kỹ

Nghiên cứu thị trường có thể xem là yếu tố tiên quyết đối với việc thành bại của cửa hàng quần áo. Khi thị trường càng sôi động, nhiều ngách để khai thác thì càng phải nắm rõ quy luật và cơ chế vận hành.

Việc nghiên cứu bắt đầu từ các kiến thức cơ bản về thời trang, xu hướng ở hiện tại và trong vài năm tới. Bên cạnh đó, hiểu rõ các mô hình cửa hàng, sự phân hóa sản phẩm và đặc biệt là hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng đối thủ.

  • Họ bán những sản phẩm gì?
  • Phong cách thời trang và thiết kế cửa hàng ra sao?
  • Thái độ, quy trình phục vụ có chuyên nghiệp không?
  • Tệp khách hàng chính của họ là ai?
  • Càng tham khảo nhiều cửa hàng, bạn sẽ có nhiều thông tin hữu ích hơn, chọn lọc và ứng dụng chúng vào kế hoạch của mình.
chi phí để mở một cửa hàng quần áoPendecor
Nghiên cứu thị trường và xác định phân khúc kinh doanh

Xác định đúng phân khúc kinh doanh

Khi đã nắm bắt được thị trường, dựa trên nhóm khách hàng mục tiêu, vốn và mục đích, sự yêu thích của cá nhân để quyết định phân khúc hướng đến.

  • Khách hàng của bạn là ai? Là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng (thuộc nhóm khách hàng trẻ) hay người đi làm, độ tuổi trung niên trở lên,...
  • Tầm giá sản phẩm như thế nào? Quần áo giá bình dân, hay quần áo tầm trung, hay quần áo thuộc dòng cao cấp,...

Định hình phong cách và dấu ấn riêng

Phong cách thiết kế cửa hàng, dấu ấn thương hiệu được phát triển dựa trên những định hình về tệp khách hàng và dòng sản phẩm kinh doanh.

Những phong cách thiết kế an toàn là: Tối giản, hiện đại, kiểu Nhật, kiểu Hàn,... sẽ hợp với đa dạng mô hình cửa hàng quần áo, từ basic, nữ tính đến trẻ trung,... Những phong cách như Luxury, Tân cổ điển,.... sẽ hợp với cửa hàng theo đuổi sự sang trọng, quý phái.

Sự kết nối giữa phong cách thời trang và phong cách thiết kế sẽ tạo nên điểm khác biệt, nâng tầm các mặt hàng và góp phần xây dựng độ nhận diện tốt hơn.

cách mở cửa hàng bán quần áo trẻ emPendecor

Hình 5. Cửa hàng quần áo cần có phong cách và dấu ấn riêng

Lựa chọn nhập hàng thông minh

Khi mở cửa hàng quần áo, bạn sẽ có lợi thế về nguồn hàng đa dạng. Nhưng đi kèm với đó là khó khăn trong việc chọn lọc, sao cho đảm bảo các yếu tố uy tín - chất lượng - giá cả hợp lý.

Những nguồn nhập hàng quần áo phổ biến hiện nay là các chợ đầu mối, xưởng may hoặc nhập trực tiếp từ nước ngoài, với các kho hàng lớn tại Quảng Châu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,...

Lời khuyên là đừng nên nhập quá nhiều quần áo khi mới kinh doanh. Bạn có thể nhập số lượng ít cho mỗi loại, từ các nguồn khác nhau để so sánh chất lượng và cân đối giá bán - lợi nhuận sao cho hợp lý.

Khai thác thị trường mua sắm online

Với những người kinh doanh quần áo hiện nay, không tận dụng nền tảng mua sắm online sẽ là một thiếu sót lớn. Mở cửa hàng bán trực tiếp sẽ có được tệp khách hàng ổn định, giá trị định vị cao. Nhưng khi bán online, cơ hội mở rộng thị trường, đối tượng khách hàng còn lớn hơn.

Mua bán qua các sàn thương mại điện tử, như: Lazada, Shopee, Tiktok,... hay các mạng xã hội Facebook, Zalo,... không phát sinh nhiều chi phí nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao, tốc độ tạo xu hướng nhanh chóng.

cách mở cửa hàng quần áoPendecor
Cập nhật xu hướng và phát triển bán hàng online

Không ngừng cập nhật xu hướng mới

Bản chất của ngành thời trang là sự đổi mới liên tục, ai theo kịp xu hướng người đó nắm ưu thế. Vì vậy, là chủ của một cửa hàng quần áo, bạn cần có thói quen cập nhật, đi đầu trong các trào lưu để nhập hàng về kịp thời. Có những sản phẩm hot-trend được bán trong thời gian ngắn nhưng với số lượng cực kỳ khủng.

Quản lý hàng tồn kho

Hàng tồn kho là lo lắng của nhiều cửa hàng quần áo, việc giải quyết chúng ra sao cho hiệu quả không phải là dễ dàng. Vì vậy, bạn cần theo dõi sát lượng hàng trong kho, cân đối số lượng khi nhập. Hàng tồn kho nên ưu tiên “xả hàng” với giá rẻ để hạn chế tỷ lệ rủi ro.

Ưu tiên các phương án thay thế tối ưu

Phương án nào có lợi hơn cho tài chính, không ảnh hưởng quá nhiều đến hiệu quả kinh doanh thì lựa chọn. Ví dụ, thay vì thuê quá nhiều nhân viên, bạn có thể chọn mua phần mềm để quản lý. Hoặc, thay vì mua sắm nội thất, thiết bị mới toàn bộ, có thể cân nhắc những món đồ cũ và tân trang lại,...

cách mở cửa hàng quần áo trẻ emPendecor
Tìm kiếm các giải pháp tối ưu cho cửa hàng quần áo

Chăm sóc cho không gian mua sắm

Trải nghiệm của khách hàng khi mua sắm quyết định tới các đánh giá và sự gắn bó. Vì vậy khi mở cửa hàng quần áo, hãy có thói quen chăm sóc, dọn dẹp không gian, lúc nào cũng thật sạch sẽ và chỉn chu. Mọi thứ bày trí gọn gàng và đẹp mắt, phân khu để dễ dàng tìm kiếm.

Khai thác lợi thế từ các chiến dịch marketing

Đầu tư hình ảnh, nội dung để đăng tải lên Facebook, Instagram, Website, Tiktok,... để quảng bá sản phẩm và hình ảnh cửa hàng. Áp dụng các chiến dịch marketing vào những dịp lễ lớn, kết hợp sự kiện ưu đãi tại chỗ để kích thích mua sắm.

Lưu ý, chiến dịch phù hợp với đối tượng khách hàng và phân khúc sản phẩm, phát triển dựa trên nhu cầu, thói quen tiêu dùng có kết hợp cùng xu hướng thịnh hành.

Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt cũng là cách marketing hiệu quả. Đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, nhiệt tình, thân thiện sẽ là điểm cộng cực kỳ lớn.

Câu hỏi thường gặp khi mở cửa hàng quần áo

Để cửa hàng hoạt động hiệu quả, chủ cửa hàng cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu thủ tục pháp lý, hoạch định chi phí đến việc ứng dụng công nghệ quản lý. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi mở cửa hàng quần áo và lời giải đáp cụ thể.

1. Mở cửa hàng quần áo có phải đăng ký kinh doanh không?

Câu trả lời là có. Theo quy định pháp luật, mọi hoạt động kinh doanh bán lẻ, bao gồm cửa hàng quần áo, đều phải đăng ký kinh doanh để đảm bảo tính pháp lý và minh bạch. Bạn có thể đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh cá thể nếu quy mô cửa hàng nhỏ hoặc lựa chọn thành lập công ty nếu có dự định phát triển lớn mạnh. Thông thường, thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ mất khoảng 1 tháng để hoàn tất, bao gồm các bước chuẩn bị hồ sơ, xin cấp phép kinh doanh và công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Ngoài ra, đăng ký kinh doanh giúp bạn dễ dàng tiếp cận với các nhà cung cấp và đối tác, đồng thời tạo dựng uy tín và niềm tin cho khách hàng. Một số lợi ích khác của việc đăng ký kinh doanh bao gồm khả năng xuất hóa đơn, tham gia vào các chương trình khuyến mãi lớn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi xảy ra tranh chấp.

2. Chi phí nhập quần áo nên chiếm bao nhiêu % tổng vốn đầu tư?

Chi phí nhập hàng thường chiếm khoảng 60% - 70% tổng số vốn đầu tư. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quy mô và định hướng kinh doanh của từng cửa hàng, bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ này cho phù hợp. Ví dụ, nếu bạn nhắm đến phân khúc cao cấp với các mặt hàng chất lượng cao, chi phí nhập hàng có thể sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu kinh doanh các mặt hàng thời trang bình dân, tỷ lệ chi phí nhập hàng có thể thấp hơn.

Việc cân đối chi phí nhập hàng là rất quan trọng để đảm bảo cửa hàng không bị tồn kho hoặc thiếu hàng hóa khi có nhu cầu tăng cao. Chủ cửa hàng nên thường xuyên cập nhật xu hướng thời trang để lựa chọn những sản phẩm phù hợp, tránh tình trạng nhập hàng quá nhiều nhưng không phù hợp với thị hiếu khách hàng, gây tồn đọng và ảnh hưởng đến dòng tiền.

3. Chi phí mua phần mềm bán hàng có đắt không?

Chi phí sử dụng phần mềm bán hàng thường dao động khoảng 100.000 - 500.000 đồng/tháng, đây là một khoản đầu tư hợp lý để giúp công việc quản lý trở nên tiện lợi và chuyên nghiệp hơn. Một số phần mềm còn tích hợp nhiều tính năng như quản lý hóa đơn, khách hàng và báo cáo doanh thu, giúp bạn tiết kiệm thời gian và tối ưu hiệu quả kinh doanh.

4. Có nên thuê mặt bằng ở vị trí đắt đỏ không?

Điều này phụ thuộc vào đối tượng khách hàng bạn hướng đến. Nếu sản phẩm của bạn nhắm đến khách hàng cao cấp, việc đầu tư vào một vị trí đắc địa có thể thu hút nhiều khách hàng tiềm năng. Ngược lại, nếu bạn bán hàng online hoặc nhắm đến khách hàng bình dân, có thể chọn mặt bằng với chi phí thấp hơn, tập trung vào các kênh bán hàng trực tuyến để tiết kiệm chi phí.

5. Làm thế nào để thu hút khách hàng mới đến cửa hàng?

Bạn có thể áp dụng nhiều chiến lược thu hút khách hàng như tổ chức chương trình khuyến mãi, giảm giá vào các dịp đặc biệt, tạo thẻ thành viên cho khách hàng thân thiết và xây dựng fanpage, website để tăng cường tương tác với khách hàng. Ngoài ra, quảng cáo trên các nền tảng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok cũng giúp bạn tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng.

Mở một cửa hàng quần áo không chỉ đòi hỏi vốn mà còn cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu pháp lý, hoạch định chi phí đến việc quản lý cửa hàng. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn khi bắt đầu hành trình kinh doanh của mình!

Chưa có đánh giá nào ( Đánh giá của bạn )

👍👍👍